Cơ Đốc giáo Tội_lỗi

Tổng quan

Theo Cơ Đốc giáo phương Tây, tội lỗi nghĩa là phạm luật pháp (của Thiên Chúa) hoặc vi phạm giao ước, do đó sự cứu rỗi thường được nhìn nhận trong khía cạnh luật pháp, trong khi theo Cơ Đốc giáo phương Đông, tội lỗi được xem xét theo sự tác động của nó vào mối tương giao, giữa người với người, và giữa người với Thiên Chúa.Theo Kinh Thánh, tội lỗi tức là không chịu bước đi theo sự dẫn dắt của Thiên Chúa. Khái niệm này đến từ câu chuyện của AdamEva trong Sáng thế ký. Adam và Eva bất tuân mạng lịnh của Chúa bằng cách ăn trái cây biết điều thiện và điều ác. Như vậy, vào thời điểm Adam và Eva ăn trái cây giữa vườn – là trái mà Chúa cấm họ ăn – sự chết, như là hậu quả tất yếu của tội lỗi, bước vào; hành động của họ thể hiện lòng bất phục, vì họ nghĩ rằng sau khi ăn trái cấm họ sẽ trở nên giống như Thiên Chúa, và đó là tội lỗi. Do Adam là người trực tiếp nhận mạng lịnh của Thiên Chúa, người ta tin rằng Adam là người chịu trách nhiệm chính cho việc thâm nhập của tội lỗi, nên sự kiện sa ngã của loài người vẫn thường được gọi là "Tội Adam"."Tội Adam" khiến ông và hậu duệ bị tước đoạt quyền tiếp cận cây sự sống, do đó tuổi đời của loài người bị giới hạn. "Cho nên, bởi một người mà tội lỗi vào trong thế gian, lại bởi tội lỗi mà có sự chết, thì sự chết đã trải qua trên hết thảy mọi người như vậy, vì mọi người đều đã phạm tội" (Rôma 5:12). Theo thần học Cơ Đốc, cái chết của Chúa Giê-xu trên cây thập tự có quyền hóa giải tội Adam, "Như trong Adam mọi người đều chết, thì cũng một lẽ ấy, trong Chúa Cơ Đốc mọi người đều sẽ sống lại." (1Corinthians 15:22).

Nguyên ngữ Hi văn của từ "tội lỗi" trong Tân Ước là hamartia, dịch sát nghĩa là trượt mục tiêu.[4] Theo quan điểm Cơ Đốc, sự cứu rỗi được xem xét trong ý nghĩa của sự phục hòa với Thiên Chúa và sự thiết lập mối tương giao mật thiết với Chúa Cơ Đốc. 1Giăng 3.4 viết:"Ai phạm tội tức là trái luật pháp; và tội lỗi tức là trái luật pháp". Một câu Kinh Thánh khác, La Mã 6:23, giúp soi sáng ý nghĩa của giáo lý này, "Vì tiền công của tội lỗi là sự chết; nhưng sự ban cho của Thiên Chúa là sự sống đời đời trong Chúa Giê-xu Cơ Đốc, Chúa chúng ta." Lập nền trên Kinh Thánh, cả Cơ Đốc giáo phương Đông và phương Tây đều đồng ý rằng tội lỗi là rào cản ngăn con người thụ hưởng mối tương giao trọn vẹn với Thiên Chúa. Song Phúc âm Giăng 3:16 khẳng định, "Vì Thiên Chúa yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời."

Công giáo

Thần học Công giáo phân biệt tội cá nhân với tội tổ tông (nguyên tội). Trong tội cá nhân có trọng tội và khinh tội.

Tội chết là trọng tội, khi người phạm tội ý thức về hành vi phạm tội và biết là nghiêm trọng, mà vẫn hành động với sự đồng thuận có ý thức. Tội đáng chết loại trừ tội nhân khỏi ân điển của Thiên Chúa; nó chính là hành động khước từ Thiên Chúa. Nếu không được phục hoà với Thiên Chúa, người phạm tội chết sẽ bị trừng phạt nơi Hoả ngục.

Khinh tội là tội không đến nỗi chết. Đây không phải là tội trọng, còn nếu là tội trọng, người phạm tội không nhận thức đó là tội trọng, hoặc hành động mà không có sự đồng thuận. Người phạm tội không bị chia lìa khỏi ân điển như trường hợp của người khước từ Thiên Chúa. Dù vậy, khinh tội làm tổn thương mối quan hệ giữa người phạm tội và Thiên Chúa, như thế người ấy cần được phục hoà với Thiên Chúa, hoặc qua thánh lễ hoà giải hoặc nhận Bí tích Thánh thể.

Cả trọng tội lẫn khinh tội đều dẫn đến sự trừng phạt trong hai phương diện: sự đoán phạt đời đời và sự đoán phạt trong đời này. Ngục luyện tộiphép giải tội là giải pháp cho sự đoán phạt trong đời này mà vẫn bảo đảm sự công chính của Thiên Chúa.[5]

Chính Thống giáo Đông phương

Theo Chính Thống giáo Đông phương, tội lỗi là hậu quả của sự sa ngã của loài người, mà cũng là hành động phạm tội của cá nhân. Trong nhiều phương diện, quan điểm về tội lỗi của Cơ Đốc giáo phương Đông tương tự với Do Thái giáo, mặc dù Chính Thống giáo không phân biệt rạch ròi các "cấp độ" của tội lỗi.

Kháng Cách

Thần học Kháng Cách dạy rằng, do nguyên tội (tội tổ tông), con người đánh mất mọi khả năng hoà giải với Thiên Chúa [6][7][8]. Thật vậy, tội lỗi bẩm sinh này đã chia lìa loài người khỏi Thiên Chúa mà khiến con người tự tôn chính mình và tham dục của mình [9]. Như thế, chỉ nhờ sự cứu chuộc của Thiên Chúa dành cho tội nhân đang sống trong vô vọng, người ấy mới có thể phục hồi mối tương giao với Thiên Chúa qua sự chết chuộc tội của Chúa Giê-xu[10][11]. Được cứu rỗi là chỉ bởi đức tin (sola fide); chỉ bởi ân điển (sola gratia); được khởi đầu và hoàn tất chỉ bởi Thiên Chúa qua Chúa Giê-xu [12].(Xem Năm Tín lý Duy nhất). Luận điểm này về nguyên tội (Romans 5. 12-19) nối kết chặt chẽ với thần học Calvin (sự sa ngã hoàn toàn) và Giáo hội Luther. Thần học Calvin công nhận sự tốt lành của con người qua đức tin vào ân điển chung của Thiên Chúa. Thần học Giám Lý chấp nhận ý niệm cho rằng con người, dù hoàn toàn tội lỗi và suy đồi, vẫn có thể làm việc lành qua ân điển tiên kiến của Thiên Chúa.

Quan điểm này khác với giáo huấn Công giáo cho rằng trong khi tội lỗi làm hoen ố sự tốt lành nguyên thuỷ của loài người trước khi sa ngã, lại không dập tắt hoàn toàn sự tốt lành, hoặc ít nhất là vẫn tồn tại sự tốt lành tiềm ẩn, khiến con người vẫn còn có khả năng tìm đến Thiên Chúa để chia sẻ sự cứu rỗi mà Chúa Giê-xu đã giành được cho họ.

Mặc dù vẫn còn tranh luận về nguồn gốc của tội lỗi, nhiều người trích dẫn chương 28 của sách Ezekiel trong Kinh Thánh, cho rằng tội lỗi đến từ Satan khi Satan tham muốn địa vị tể trị của Thiên Chúa.

Các loại tội

  • Nguyên tội - Hầu hết các giáo phái thuộc Cơ Đốc giáo đều giải thích ký thuật của sách Sáng thế ký về biến cố xảy ra trong vườn Eden là sự sa ngã của loài người. Hành động bất tuân của AdamEva là tội lỗi đầu tiên con người phạm phải, nguyên tội này (hoặc hiệu ứng của tội lỗi) truyền cho hậu duệ (hoặc trở nên một phần của môi trường sống). Xem: sự sa ngã toàn diện
  • Dâm dục
  • Khinh tội
  • Trọng tội
Chúa bị đóng đinh, tranh của Vouet, 1622, Genoa
  • Tội đời đời - thường gọi là tội không thể tha thứ (Matthew 12. 31 "Nếu ai nói phạm đến Con người, thì sẽ được tha; song nếu ai nói phạm đến Chúa Thánh Linh, thì dù đời này hay đời sau cũng sẽ chẳng được tha") - có lẽ là điều thu hút nhiều tranh luận nhất - do tội này mà người phạm tội trở nên bội đạo, mãi mãi từ bỏ cuộc sống đức tin và những trải nghiệm về sự cứu rỗi.

Về sự chuộc tội hoặc cứu chuộc khỏi tội lỗi

Theo Cơ Đốc giáo, sự chuộc tội là sự cứu rỗi thực hiện bởi Chúa Giê-xu Cơ Đốc qua sự chết trên thập tự giá và sự sống lại của Ngài. Đức tin Cơ Đốc khởi đầu với sự mặc định rằng Chúa Giê-xu chết trên thập tự giá như một sinh tế để giải thoát tội nhân khỏi gánh nặng tội lỗi.

Khi con người bị chia lìa khỏi Thiên Chúa qua hành động bất tuân của Adam trong vườn Eden, một sự ngăn cách hiện hữu giữa con người và Thiên Chúa. Đã có ghi chép trong Cựu Ước về những nghi thức hiến tế nhằm chuộc tội cho loài người, là hình ảnh tiên báo về Chúa Giê-xu đến thế gian, theo ý muốn của Thiên Chúa, để loài người có thể phục hoà với Thiên Chúa. Cần có một đấng trung bảo đến để thực hiện sự hoà giải này, và để cất bỏ tội lỗi khỏi nhân gian. Khi con người hoàn toàn tuyệt vọng trong nỗ lực đạt đến sự toàn hảo, Thiên Chúa sai Con Ngài, Chúa Giê-xu Cơ Đốc, đến làm đấng trung bảo.

Có thể minh hoạ điều này bằng cách liên tưởng đến hình ảnh con sông chảy giữa hai dãy núi đá. Một bên là nhân loại, bên kia là Thiên Chúa. Con người không thể xây cầu vượt sông, vì con người là bất toàn, còn Thiên Chúa là trọn vẹn. Vì vậy, Thiên Chúa là đấng bắt cầu nối kết con người với Thiên Chúa, thể hiện tình yêu của Ngài dành cho nhân loại.